Trong trường hợp người bảo lãnh mất trong quá trình hồ sơ bảo lãnh định cư Mỹ đang được xử lý, nếu không biết quy trình thực hiện sẽ dẫn đến hồ sơ bảo lãnh bị hủy bỏ. Cùng tìm hiểu những điều cần phải làm để hồ sơ bảo lãnh không bị hủy bỏ khi người bảo lãnh qua đời nhé!
Theo nguyên tắc của sở di trú thì một khi người bảo lãnh (the petitioner) của mẫu đơn I-130 qua đời, thì hồ sơ bảo lãnh sẽ bị hủy bỏ theo sau đó. Ngoại trừ hồ sơ bảo lãnh hôn nhân của các góa phu góa phụ.
Tuy nhiên, nếu biết cách xử lý thì hồ sơ bảo lãnh định cư Mỹ sẽ không bị hủy bỏ cùng người bảo lãnh.
Nếu người bảo lãnh mất ở Mỹ thì sau khi có giấy khai tử phải báo ngay cho cơ quan đang xử lý hồ sơ: USCIS, NVC hay Lãnh sự quán Mỹ tại Việt Nam. Nếu người bảo lãnh mất ở Việt Nam thì phải làm theo trình tự sau:
Thủ tục đăng ký khai tử cho công dân Mỹ mất tại Việt Nam
Nếu công dân Hoa Kỳ mất tại bệnh viện thì bệnh viện sẽ cấp giấy báo tử. Nếu mất tại nhà riêng, thành viên gia đình của người quá cố sẽ trình đơn xin khai tử do công an phường có liên quan xác nhận và đóng dấu.
Giấy Báo tử hoặc Đơn xin Khai tử được trình đến Phòng Tư pháp của Ủy ban Nhân dân quận huyện để lấy Giấy Chứng tử Việt Nam.
Người đi đăng ký khai tử phải nộp Giấy báo tử hoặc giấy tờ thay cho Giấy báo tử theo quy định của pháp luật (Giấy báo tử phải do người có thẩm quyền cấp và ghi rõ họ, tên, địa chỉ của người chết; giờ, ngày, tháng, năm chết; địa điểm chết và nguyên nhân chết).
Sau khi nhận đủ giấy tờ hợp lệ, cán bộ hộ tịch của Sở Tư pháp Tỉnh/Thành phố ghi vào Sổ đăng ký khai tử và bản chính Giấy chứng tử, Giám đốc Sở Tư pháp ký và cấp một bản chính Giấy chứng tử cho người đi đăng ký khai tử. Bản sao Giấy chứng tử được cấp theo yêu cầu của người đi đăng ký khai tử.
Sau khi đăng ký khai tử, Sở Tư pháp gửi cho Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao bản sao Giấy chứng tử để thông báo cho cơ quan có thẩm quyền của nước mà người qua đời là công dân hoặc thường trú đồng thời gởi thông báo tử đến Phòng Quản lý Xuất Nhập cảnh tại 196 Nguyễn Thị Minh Khai, Phường 6, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh để được thông báo về việc tử vong của công dân nước ngoài.
Sau khi chôn cất xong thân nhân người qua đời phải có trách nhiệm liên hệ và đến Lãnh sự Quán Hoa Kỳ để làm Công hàm tử.
Khi thủ tục hoàn thành thân nhân người mất sẽ được cấp 30 bản chính công hàm tử để sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau cho phía bên nước Mỹ nơi người mất cư trú đồng thời thân nhân cũng được cấp một văn bản đề nghị và hướng dẫn cách làm đơn xin xét nhân đạo và phục hồi hồ sơ.
Công hàm tử dùng để làm gì? Đệ đơn xin được xét nhân đạo và phục hồi hồ sơ bảo lãnh định cư Mỹ
Sau khi có được Công hàm tử phải gửi ngay sang Mỹ cho thân nhân để khai báo và báo ngay cho nơi đang xử lý hồ sơ để đóng hồ sơ gồm 1 trong 3 nơi sau: USCIS, NVC hoặc LSQ.
Và sau đó đệ đơn ngay xin được xét nhân đạo và phục hồi hồ sơ theo 7 tiêu chuẫn đã định nếu hồ sơ đang ở LSQ.
Còn nếu đang ở NVC hoặc USCIS thì phải chờ 60 ngày sau khi thông báo với NVC bạn mới gửi đơn xin xét nhân đạo được vì lúc này toàn bộ hồ sợ mới được trả về cho USCIS. Nếu vì bất cứ lý do gì không làm đúng tiến trình trên thì hoàn toàn không còn cơ hội để đệ đơn xin phục hồi đơn I-130 bảo lãnh thân nhân định cư được vì sẽ cho là cố tình gian dối giấu diếm việc người bảo lãnh qua đời.
Và như thế hồ sơ được xem như đã bị hủy bỏ cùng người bảo lãnh.
Nguồn: Kinh nghiệm của người đi trước "Group FB Định Cư Mr Minh Trần"